Sự xuất hiện của cụm từ "Cửu Huyền Thất Tổ" Cửu Huyền Thất Tổ

Vào khoảng những năm 907-925, triều đại Tiền Thục (phía nam Trung Quốc), có vị đạo sĩ là Đỗ Quang Đình. Trong quyển kinh "Trung Nguyên chúng tu kim lục trai từ" của ông có câu sau:

“Thần đẳng Cửu Huyền Thất Tổ thụ phúc chư thiên di tộ lưu tường truyền hưu vô cực”.

Tạm dịch:

"Cửu Huyền Thất Tổ của chúng thần, thụ phúc từ Chư Thiên, lưu giữ và truyền tiếp không ngưng nghỉ sự thụ phúc ấy đến vô cực cháu con”.[1]

Điều đó cho thấy vào khoảng thời gian này đã có sự xuất hiện của cụm từ "Cửu Huyền Thất Tổ" trong Đạo giáo.

Trong tác phẩm "Sự Lý Dung Thông"

Cụm từ này xuất hiện trong hai câu thơ thuộc bài thơ song thất lục bát "Sự Lý Dung Thông" của Thiền sư Thương Hải (1728 - 1715). Bài thơ được in chung trong "Toàn Tập Minh Châu Hương Hải" do Tiến sĩ Lê Mạnh Thát biên khảo và biên dịch[2].

"Thích độ nhân miễn tam đồ khổ/ Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương"

Cặp câu thơ này có hai cách dịch nghĩa, tùy theo định nghĩa của cụm từ "Cửu Huyền".

1. "Phật Thích Ca hóa độ cho con người thoát khỏi ba đường khổ/ Cứu thoát "cửu huyền" và "thất tổ", để được siêu sinh."

2. "Phật Thích Ca hóa độ cho con người thoát khỏi ba đường khổ/ Thoát khỏi "cửu huyền", "thất tổ" được siêu sinh."

  • "Tam đồ khổ" trong giáo lý nhà Phật là ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh

Các nguồn khác

Không thấy sự xuất hiện của cụm từ "Cửu Huyền Thất Tổ“ trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Từ Nguyên (辭源), Từ Hải (辭海) và Khang Hy tự điển (康熙字典).[3]

Kinh giảng của Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo có đề cập đến nhưng không có định nghĩa giải thích[4]. Định nghĩa rõ ràng nhất về "Cửu Huyền Thất Tổ" xuất hiện trong "Cao Đài từ điển" do Nguyễn Văn Hồng biên soạn[5]. Ông đưa ra một số cách giải thích dựa theo Nho giáo và quy chế riêng của Cao Đài.

Sự xuất hiện của cụm từ "Cửu Huyền"

Sự xuất hiện của riêng cụm từ "Cửu Huyền" có thể là một căn cứ để giải thích ý nghĩa của toàn bộ "Cửu Huyền Thất Tổ". Tuy vậy đây chưa hẳn là ý kiến được đồng thuận.

Thời Lưỡng Tấn - Nam Bắc triều (265-589), Đạo giáo bắt đầu phát triển trong xã hội Trung Quốc. Đạo sĩ Trương Quân Phòng ghi trong quyển 44, sách Vân Cấp Thất Thiêm, như sau, "Cửu Thiên Chân Nữ ngự phi phượng, bạch loan, du ư cửu huyền chi thượng." (九天真女, 御飛鳳白鸞, 游於九玄之上)

Cát Hồng (283-363) kết hợp Phật giáoĐạo giáo để tạo ra đạo Kim Đan. Mục đích của đạo này vừa là để dưỡng sinh, vừa để tu tiên. Đạo này chỉ xuất hiện chủ yếu ở phía bắc của Trung Quốc. Trong nhiều kinh sách viết bởi Cát Hồng bắt đầu thấy có sự xuất hiện của cụm từ "Cửu Huyền", chẳng hạn như:

Sách Thích Kiêu [刺驕]: "Thân ký ba lưu nhân gian, thần tê cửu huyền chi biểu." (身寄波流人間,神躋九玄之表。)
Sách Nhậm Mệnh [任命]: "Bất năng lăng phù dao dĩ cao tủng, dương thanh diệu ô cửu huyền." (不能凌扶搖以高竦, 揚清耀於九玄。)

Quyển Âm nhạc chí tam trong bộ sách Cựu Đường thư cũng có sự xuất hiện của từ này: "Cửu huyền trứ tượng, thất diệu chân minh." (九玄著象, 七曜甄明。)

Hán ngữ Đại Từ điển ấn hành vào tháng 9 năm 1986, do La Trúc Phong chủ biên, định nghĩa rằng "Cửu Huyền" đơn thuần là một thuật ngữ của đạo Kim Đan, mang nghĩa là “chốn tiên”[1].